Qua 70 năm xây dựng và phát triển, ngành Đường bộ vượt qua nhiều khó khăn, đạt được những thành tựu to lớn, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Khôi phục cầu Gián Khẩu năm 1956. |
Tổng cục Đường bộ VN là cơ quan Nhà nước quản lý về GTVT đường bộ. 70 năm trước, ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Tuyên cáo của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về sự ra đời của Chính phủ lâm thời, trong đó thành phần nội các của Chính phủ lâm thời có Bộ Giao thông công chính, tiền thân của Bộ GTVT ngày nay và cũng là tiền thân của ngành Đường bộ Việt Nam.
Ngày 13/4/1946, Ty chuyên môn công chính, chính thức được giao nhiệm vụ với Sắc lệnh số 50 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc tổ chức Bộ Giao thông công chính và quy định tổ chức các cơ quan của Bộ. Ty có nhiệm vụ: Nghiên cứu các công tác tân tạo kiều lộ; lập địa đồ các đường giao thông; các việc về công chính; thảo các chỉ thị về cách lập dự án các công tác tân tạo và tu bổ bảo tồn công trình kiến trúc và đường giao thông…
Từ đó đến nay, các thế hệ ngành Đường bộ đã không ngại khó khăn gian khổ, không tiếc mồ hôi xương máu, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình để hiến dâng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ hy sinh, dưới mưa bom bão đạn, “mưa dầm, cơm vắt”, nhưng ngành Đường bộ đã mưu trí, dũng cảm, xẻ núi, băng rừng, bám trụ mở đường, bắc cầu cho xe cơ giới, cho các đoàn xe đạp thồ vận chuyển lương thực, vũ khí đạn dược trong nhiều chiến dịch mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiều tấm gương yêu nước, dũng cảm quên mình, góp phần dựng xây truyền thống “đi trước mở đường”. Nhiều tập thể, cá nhân ngành GTVT được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động như: đồng chí Ngô Gia Khảm, Trương Sỹ, Lê Minh Đức…
Thời kỳ khôi phục, phát triển kinh tế trong hòa bình và chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, ngành Đường bộ phải tiếp thu, quản lý, khai thác hệ thống đường bộ nghèo nàn, cũ nát, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, hầu như không còn một đoạn đường, cây cầu nào còn nguyên vẹn. Phát huy tinh thần yêu nước, khí thế thi đua chào mừng hòa bình, độc lập, tự do của miền Bắc, ngành Đường bộ đã khắc phục khó khăn nhanh chóng khôi phục lại hầu hết các tuyến đường bị phá hoại trong chiến tranh và làm thêm một số đường mới. Đã xây dựng được hệ thống giao thông đường bộ có tổng chiều dài hàng nghìn km thông suốt từ biên giới phía Tây, phía Bắc, phía Đông nối về các quốc lộ 1A, 2, 3… trong đó làm mới gần 11 nghìn km đường bộ, 26 nghìn mét cầu. Thành quả quan trọng đó phục vụ đắc lực công cuộc khôi phục phát triển nền kinh tế quốc dân ở miền Bắc và chi viện cho miền Nam.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, ngành đường bộ khẩn trương thực hiện nhiệm vụ khôi phục, cải tạo hệ thống giao thông. Bắt tay ngay vào việc sửa chữa những đoạn đường, cây cầu trên các tuyến quốc lộ chính bị hư hại trong chiến tranh, tập trung vào việc xây dựng các công trình trọng điểm như: cầu Thăng Long, Chương Dương, Bến Thủy… mở rộng đường vành đai Hà Nội nhằm giải tỏa ách tắc giao thông ở khu vực Thủ đô.
Bước vào thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước, Đại hội lần thứ VI của Đảng đã mở ra một bước ngoặt lịch sử cho dân tộc. Đại hội xác định GTVT là “khâu quan trọng nhất của kết cấu hạ tầng” và “phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế quốc dân”. Nhờ những chính sách đúng đắn của Đảng, ngành GTVT đường bộ đã từng bước phát huy nội lực, mở rộng giao lưu trong nước và khu vực. Các chính sách hội nhập, mở cửa tăng cường quan hệ quốc tế đã thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cho ngành có điều kiện áp dụng công nghệ mới xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Ngành Đường bộ đã có bước trưởng thành vượt bậc về kỹ thuật, công nghệ thi công cầu đường. Tiêu biểu là các cầu: Bến Thủy, Thái Bình, Đò Quan… và các tuyến đường quan trọng như QL5, QL1, QL27… triển khai khởi công nhiều công trình trọng điểm: Cầu Mỹ Thuận, Hoàng Long, Bãi Cháy, một số tuyến đường cao tốc, đường Hồ Chí Minh, hầm đường bộ Hải Vân. Bên cạnh đó, lực lượng vận tải đã có sự phát triển mạnh mẽ, khối lượng vận tải đường bộ luôn luôn chiếm 70 – 80% trong tổng khối lượng vận tải của toàn ngành.
Những thành tích đạt được của ngành GTVT đường bộ sau hơn 20 năm đổi mới khẳng định tính liên tục, xuyên suốt qua nhiều giai đoạn lịch sử của ngành Đường bộ. Bằng sức lực, trí tuệ và xương máu của các thế hệ nối tiếp nhau, toàn ngành đã lập nên những kỳ tích mới, tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống “Dũng cảm, thông minh, sáng tạo” mà Đảng và Nhà nước đã tuyên dương như: Tặng thưởng một Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Cục Đường bộ VN và một Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tổng cục Đường bộ VN.