GiadinhNet – Từ tháng 11 này, lỗi vi phạm đèn vàng sẽ bị xử phạt tương tự như lỗi vi phạm đèn đỏ. Tuy nhiên, có rất nhiều tình huống sẽ phát sinh với việc xử phạt này mà người tham gia giao thông cần biết để hạn chế việc bị phạt.
Suýt bị phạt khi không…vi phạm
Đây là sự việc mà tài xế Nguyễn Mạnh Thắng (ở Hà Nội) gặp phải khi điều khiển xe ô tô qua nút giao Huỳnh Thúc Kháng – Nguyễn Chí Thanh ngày 3/11. Theo đó, sau khi đi đám tang về thì anh Thắng lưu thông qua nút giao Huỳnh Thúc Kháng rẽ trái ra đường Nguyễn Chí Thanh và đèn xanh còn đủ thời gian để anh thoát giao cắt. Hình ảnh camera giám sát hành trình lắp trên xe anh Thắng cho thấy phản ánh của anh là đúng sự thật khi anh đi gần qua nút giao thì đèn tín hiệu mới chuyển sang màu vàng. Sau đó, anh bị chiến sỹ CSGT đội 3 tuýt còi và thông báo lỗi anh vượt đèn vàng. Lúc này, do lưu vội nên camera của anh Thắng không thể xem lại clip vừa ghi. Tuy nhiên, lúc sau, chiến sỹ CSGT đội 3 đã cho anh tiếp tục lưu thông mà không bị phạt dù không được xem clip ghi hình. Lúc sau, anh Thắng về văn phòng, rút thẻ nhớ và kiểm tra cho thấy clip ghi hình anh qua nút giao nêu trên vẫn còn và chứng minh khẳng định của anh đối với CSGT là anh không vượt đèn vàng là chính xác.
Sự việc của anh Thắng là một trong những lo ngại của người tham gia giao thông “chuẩn chỉ” nhưng vẫn sợ một ngày mình bị phạt do rơi vào cảnh không có camera giám sát hành trình để đối chứng, hoặc có camera nhưng không gặp được CSGT như trong trường hợp của anh Thắng. Khảo sát của PV Báo GĐ&XH tại các nút giao ở Hà Nội cho thấy, ý thức tham gia giao thông của người dân khi đi qua nút giao đã phần nào bớt nhộm nhoạm so với trước. Trước đây, khi gần đi qua nút giao và đèn tín hiệu sắp chuyển sang màu vàng thì dễ dàng bắt gặp cảnh xe máy, ô tô đột nhiên tăng tốc, thốc ga… Hiện nay, thay vào đó, khi đèn tín hiệu báo sắp hết đèn xanh thì cả dòng phương tiện đã giảm tốc và phần đa dừng trước đèn vàng.
Tuy nhiên, tại một số nút giao vào một vài thời điểm vẫn ghi nhận tình trạng có phương tiện cố vượt đèn vàng. Ngày 4/11, tại nút giao ngã 5 Giảng Võ – Giang Văn Minh – Hào Nam – Cát Linh, khi đứng quan sát từ cầu vượt cho người đi bộ cho thấy đôi lúc vẫn có người điều khiển ô tô, xe máy vượt đèn vàng. Tại nút giao này đã được lắp đầy đủ camera giám sát hai chiều và không khó để CSGT tín hiệu đèn có thể phát hiện được hành vi vi phạm. Các clip ghi hình của phóng viên tại nút giao này cho thấy khá khó để xác định chính xác ranh giới của việc vi phạm đèn vàng. Tại các nút giao khác trên tuyến phố lớn và ít phức tạp như trên đường Xã Đàn, Ô Chợ Dừa thì tình trạng vượt đèn vàng luôn xảy ra. Từ đó các trường hợp nằm trong ranh giới “chấp chới” và dễ bị “tuýt còi” oan như anh Thắng nêu trên sẽ xảy ra nhiều hơn.
Cái khó của ranh giới trong “tích tắc”
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên cán bộ đội CSGT số 1, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (Công an TP Hà Nội) cho rằng, nếu người dân thiếu ý thức chấp hành và lực lượng thực thi công vụ xử lý quá cứng nhắc hoặc thiếu “tâm phục khẩu phục” cũng không… ổn. Đèn vàng là thời gian làm “sạch” nút giao để đón luồng phương tiện đang dừng đèn đỏ tiếp tục lưu thông. Việc chứng minh vi phạm là trách nhiệm của người phát hiện vi phạm. Nếu người tham gia giao thông không thoả mãn thì cũng phải có căn cứ để chứng minh ý kiến của mình. Nếu có camera hành trình thì chỉ cần xem là rõ. Tuy nhiên, theo ông Quỹ, thực tế sẽ có những thời điểm “nhạy cảm”. Đây là lúc chập chờn giữa đèn xanh và đèn vàng. Ranh giới giữa xanh chuyển sang vàng chỉ trong một vài tích tắc nên nếu quá cứng nhắc cũng không ổn.
“Để tránh tranh cãi thì khi CSGT phát hiện và cho rằng lái xe vi phạm thì nên chứng minh ngay. Chứng minh bằng những người giám sát trực tiếp ở nút giao và phải là những người đứng gần ngay vị trí dễ quan sát thấy hành vi vi phạm của người điều khiển. Nếu CSGT đứng ở bên kia nút thì sẽ phát sinh các tình huống nhận định thiếu chính xác và sẽ gây ra tranh cãi. Khi CSGT bắt lỗi thì phải bắt chính xác. Nếu người điều khiển phương tiện rơi vào thời điểm chấp chới giữa đèn xanh đèn vàng, nếu xử phạt thì hơi máy móc. Còn số phương tiện rơi vào giây thứ 4, thứ 5 của đèn vàng và sắp chuyển sang đèn đỏ thì phạt là chính đáng vì đây là hành vi cố tình không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu. Việc gây ra tranh cãi là do cách xử lý của mỗi người thực thi công vụ làm cho lái xe không tâm phục khẩu phục. Khi bắt những hành vi này thì phải bắt rõ ràng, rành mạch”, ông Quỹ cho biết.
Ông Quỹ hy vọng, toàn TP Hà Nội đã có gần 400 camera giám sát và các thiết bị kỹ thuật này sẽ giúp cho việc xử lý được công khai, minh bạch, chính xác. Hệ thống giám sát này sẽ góp phần nâng cao ý thức của cả người tham gia giao thông lẫn sự “chuẩn chỉ” của lực lượng thực thi công vụ, nhằm tránh các tranh cãi trên đường cũng như gây áp lực đối với CSGT. Ông Quỹ nhấn mạnh, những người tham gia giao thông hãy vì sự an toàn cho chính mình, cho người khác mà nâng cao ý thức chấp hành. Khi đến nút giao cần tự phân làn để chuyển làn cho phù hợp nhằm tránh các xung đột không đáng có trong điểm giao cắt. Khi đến nút giao thì phải giảm tốc độ, quan sát và chấp hành hiệu lệnh của người thực thi công vụ.
Từ tháng 11/2016, lỗi vi phạm đèn vàng sẽ bị xử phạt tương tự như lỗi vi phạm đèn đỏ. Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác vượt đèn vàng bị phạt từ 60.000 – 80.000 đồng (Điểm h, Khoản 2, Điều 8 của Nghị định 46). Phạt người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng vượt đèn vàng từ 400.000 – 600.000 đồng (Điểm g, Khoản 4, Điều 7 của Nghị định 46). Phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vượt đèn vàng từ 1.200.000 – 2.000.000 đồng (Điểm a, Khoản 5, Điều 5 của Nghị định 46).
Không nên bỏ phạt đèn vàng
Trước các ý kiến nhiều chiều về việc phạt hành vi vượt đèn vàng như vượt đèn đỏ, TS luật Vũ Thái Hà, Công ty TNHH luật YouMe cho rằng, không nên bỏ phạt hành vi vượt đèn vàng. Theo luật sư Hà, vấn đề chấp hành tín hiệu đèn trong đó có cả đèn vàng đã được quy định trong Luật từ lâu. Người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt khi đèn vàng bật lên và bánh xe chưa tới vạch dừng nhưng vẫn đi tiếp. Việc chứng minh là của lực lượng thực thi công vụ CSGT. Trong trường hợp lái xe cho rằng CSGT bắt lỗi khi họ không vi phạm thì yêu cầu CSGT chứng minh, việc chứng minh thể hiện qua clip, hình ảnh thiết bị.